Cộng hòa Síp sẽ là nước thứ 5 ở eurozone phải nhận gói cứu trợ

Bộ trưởng Tài chính cộng hòa Síp cho biết nước này cần đến gói cứu trợ khẩn cấp để có thể tái cấu trúc các ngân hàng và vấn đề cần phải được giải quyết trong tháng 6. 

Hôm qua (12/6), Cộng hòa Síp tuyên bố nước này cần nhận gói cứu trợ khẩn cấp từ châu Âu để có thể tiếp sức cho các ngân hàng. Động thái trên sẽ khiến đảo quốc này trở thành nền kinh tế thứ 5 trong eurozone phải sử dụng đến gói cứu trợ. 
Vassos Shiarl, bộ trưởng Tài chính cho biết đảo Síp cần đến gói cứu trợ khẩn cấp để có thể tái cấu trúc các ngân hàng. Ông nhấn mạnh vấn đề này cần phải được giải quyết trong tháng 6. 
Theo một vài quan chức châu Âu, qui mô gói cứu trợ có thể sẽ không vượt quá 3 tỷ đến 4 tỷ euro (tương đương 3,8 tỷ đến 5 tỷ USD) do đó sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến các quỹ cứu trợ của eurozone. Nền kinh tế của Síp - đảo quốc có 800.000 dân – chỉ bằng 1/60 so với qui mô kinh tế Tây Ban Nha. 
Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu cho rằng sự kiện này có thể là dấu hiệu cho thấy phạm vi của khủng hoảng đang ngày càng mở rộng. Cho đến nay, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang nằm trong chương trình cứu trợ. 
Rất có thể gói cứu trợ dành cho đảo Síp sẽ giống với mô hình gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha – chỉ tập trung vào khu vực ngân hàng chứ không phải toàn bộ nền kinh tế. Các ngân hàng của Síp, đặc biệt là Cyprus Popular Bank – ngân hàng lớn thứ 2 nước này – cần phải bổ sung thêm vốn sau khi bị thua lỗ do ảnh hưởng từ chương trình tái cơ cấu nợ của Chính phủ Hy Lạp hồi đầu năm. 
Tháng trước, Quốc hội nước này cũng đã thông qua kế hoạch hỗ trợ ngân hàng Cyprus Popular Bank bằng cách phát hành cổ phiếu mới có sự bảo lãnh của Chính phủ. Vì các nhà đầu tư tư nhân không có khả năng hấp thụ hết số cổ phiếu này, Chính phủ có thể sẽ phải gánh trách nhiệm bỏ ra 1,8 tỷ euro – số tiền tương ứng với 10% sản lượng kinh tế của Síp. 
Back To Top